Với những lời giảng gầy gũi và khiêm cung, “Con đường chuyển hóa” của thầy Thích Pháp Hòa không chỉ mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về đạo Phật mà còn giúp chúng ta tự tìm cho mình một cánh cửa phù hợp để tu tập và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của mình.
Khi xã hội phát triển, những vấn đề tinh thần ngày càng được mọi người quan tâm. Có lẽ vì vậy mà ngay khi cuốn sách “Chia sẻ từ trái tim” của thầy Thích Pháp Hòa ra mắt đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc gần xa. Nhiều người cho biết, cuốn sách của thầy như một làn nước mát xoa dịu trái tim, giúp họ tìm thấy bình an trong cuộc sống. Trong cuốn sách thứ hai “Con đường chuyển hóa”, chọn lọc 50 bài giảng tinh túy trong suốt 30 năm giảng pháp của thầy Thích Pháp Hòa nhằm hệ thống cho bạn đọc các giáo lý quan trọng của đạo Phật và các pháp môn tu tập phổ biến.
Ở phần đầu của cuốn sách, bạn đọc sẽ nhận diện đạo Phật nguyên bản thông qua “tám con đường chân chánh” (Bát Chánh đạo), bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định, chánh tinh tấn và chánh niệm. Đây là một pháp môn quan trọng, giúp người tu học đoạn trừ được cái gốc của bất thiện và đi tới chỗ an vui, hết khổ. Ở từng bài giảng, thầy Thích Pháp Hòa không chỉ đi sâu vào từng khái niệm mà còn đưa ra nhiều ví dụ và cách để bạn đọc áp dụng Bát Chánh đạo vào cuộc sống của mình: cách mưu sinh chân chánh, cách sử dụng lời nói cho có ý nghĩa, cách để chánh niệm và tư duy đúng đắn…
Thầy Thích Pháp Hòa chia sẻ: “…tu không phải là để thành tiên, thành Phật gì cả, mà tu để thành chính mình. Tu để biết mình đang vướng cái gì để tháo, để buông. Tu để biết mình đang vấp phải cái gì, đã thấu đạt được gì. Tu là để sáng soi rõ ràng, ăn biết mình ăn, uống biết mình uống. Và tu cũng để biết mình đang có nỗi khổ đau gì, từ đó, mình làm sao để giảm bớt cái khổ, cái đau đó”.
Tuy là một vị tu sĩ thiên về truyền thống Tịnh Độ nhưng thầy Thích Pháp Hòa không giới hạn bài giảng của mình ở một phép tu nào, thay vào đó, thầy luôn nỗ lực để đưa Thiền và Tịnh Độ về lại một “nhà”. Trong phần hai của “Con đường chuyển hóa”, các bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa tập trung phác họa bức tranh khái quát của “đạo Phật pháp môn”.
Trên tinh thần “Thiền – Tịnh song tu” và là người tìm hiểu sâu cũng như có kinh nghiệm tu tập ở cả hai pháp môn, thầy Thích Pháp Hòa đã giải thích cặn kẽ tính phương tiện và điểm chung cốt lõi của hai truyền thống này, đồng thời hướng dẫn người đọc nhiều phương pháp để thực hành như mười cách niệm Phật, đếm hơi thở, quan sát cảm giác, quan sát tâm hành… để mỗi độc giả tự lựa chọn những “món ăn” phù hợp cho con đường tu học của mình.
Nhìn chung, những việc chúng ta làm đều xuất phát từ tâm, nếu tâm an lạc thì mọi việc sẽ bình an. Vì lẽ đó, tất cả các phép tu đều nhằm mục đích để chúng ta điều phục được tâm của mình. Nếu tâm thiện, ta hoan hỉ phát huy tâm thiện đó nhiều hơn. Nếu tâm bất thiện, ta tìm cách giảm bớt. Một khi đã điều phục được tâm thì an lạc sẽ tới. Tâm đã vững thì chúng ta mới không dễ bị lay động hay lệch hướng. Như thầy Pháp Hòa đã chỉ ra: học Phật là hướng dẫn chúng ta quay về bên trong, bởi vì quay về bên trong, ta mới bình an.
Khi quay về bên trong, ta đồng thời nhìn thấy trí tuệ nơi mình, từ đó nhìn thấy được vẻ đẹp của vạn vật. Người có trí thì luôn nhìn đời với cặp mắt thương yêu và hiểu biết, luôn an nhiên và tự tại trước mọi sự “được – mất”, “thắng – thua” ở đời.
Thầy Thích Pháp Hòa nhìn nhận: “Mình thấy rõ là trong cuộc đời, được – mất, thành – bại, thắng – thua… cái gì cũng là tạm. Nói như vậy không phải là để chúng ta bi quan, mà để chúng ta có một sự sống vui vẻ, để chúng ta sống với tâm hoan hỉ, rộng mở, chấp nhận, thương yêu, tha thứ, chứ không phải buồn rầu, sầu khổ. Thấy cuộc đời dường như vô nghĩa, chúng ta nguyện sống cho có ý nghĩa, chứ không phải thấy cuộc đời buồn bã như vậy rồi chúng ta buông xuôi. Vì đó là sự thật của đời sống. Mình chấp nhận nó, nó cũng sẽ đến. Mình không chấp nhận nó, nó cũng sẽ đến. Nếu mình chấp nhận nó thì khi nó đến, mình nhẹ lòng lắm”.
Một trong những điểm đặc biệt của cuốn sách này là sự xuất hiện của các câu kệ Pháp Cú xuyên suốt các bài giảng. Thầy Pháp Hòa đã khéo léo dung hợp những mẩu chuyện của đời sống vào trong những câu kệ ngắn, điều này giúp cho những giáo lý thâm sâu của đạo Phật trở nên dễ hiểu và dễ tiếp cận với phần đông đại chúng.
Với những lời giảng gầy gũi và khiêm cung, “Con đường chuyển hóa” của thầy Thích Pháp Hòa không chỉ mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về đạo Phật mà còn giúp chúng ta tự tìm cho mình một cánh cửa phù hợp để tu tập và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của mình.
Linh Đan