Một Tây Nguyên sâu lắng, rung động của hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu

Gửi lại đôi gánh không tên. Tôi đưa bước chân người. Miền thênh thang rừng núi
Say cùng nhau chút chuyện làng” –  hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu cảm tác về triển lãm Nghe kể chuyện làng mình, bắt đầu từ ngày 6/9/2024  tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM.

Sau gần 10 năm sinh sống ở vùng đất mới, với vô vàn chuyến đi vô làng và vô vàn ký họa, ghi chép, Hồ Thị Xuân Thu đã thực sự đủ chín để sáng tác về Tây Nguyên như cách nghĩ của người Tây Nguyên. Chị theo đúng tinh thần đời sống của họ, chứ không phải theo kỹ thuật, ý chí của mình. Thế nhưng, sau chừng 5 năm vẽ sơn dầu về đề tài này, chị vẫn thấy chưa thỏa mãn, nên tạm gác lại việc sáng tác và tạm xa gia đình nhỏ một thời gian để về Huế học sơn mài một cách bài bản, hàn lâm. Từ cuối thế kỷ 20, Hồ Thị Xuân Thu đã thấy sơn mài mới đúng là vật liệu và chất liệu mà bản thân đang tìm kiếm. Có lẽ tổ nghề sơn mài đã ưu ái chị, nên đã mở cho một lối đi vừa ý về một chân trời mới. Nơi đó, chị kể chuyện làng mình được thong dong hơn, sinh động hơn, sâu lắng hơn.

Thật khó diễn tả nên lời, nhưng với chị, người Tây Nguyên có sự tự do, mộc mạc, mạnh mẽ trong tự thân của họ. Đây cũng là giá trị tinh thần thực sự của vùng đất này. Sau nhiều năm tháng gắn bó, điều này biến thành nét vẽ của Hồ Thị Xuân Thu. Nên chị dùng nó một cách tự nhiên, ngọt lịm, mà không cần phải quá chú tâm, cố gắng. Vì vậy, nếu tranh của chị có sự mộc mạc, tự do và mạnh mẽ, thì đó cũng chính là giá trị chân thực từ đời sống Tây Nguyên mà chị cảm nhận được, vì chị đã là một phần của hồn cốt Tây Nguyên.

Hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu

Ví dụ một vài tác phẩm: Chị đã thấy cái đẹp của những tấm áo họ phơi để chờ đón ngày hội về (Chờ tháng Ba về, 80 x 200cm), hoặc cái đẹp bên bếp than nồng (Bếp nồng, 50 x 100cm), hoặc cái đẹp của những con người bình dị nằm bên nhau trong mái nhà sàn nghe sử thi (Nằm nghe kể Khan, 120 x 240cm)… Cái đẹp ấy như một khúc than hồng được ấp ủ đến lúc hé cười, sưởi ấm.

Màu sắc trong tranh của chị là tự thân khi vẽ nó tìm đến, lúc ấy cảm nhận thế nào thì vẽ thế đó. Màu sắc của tranh sơn mài là son, vàng, then… từ truyền thống, nhưng có thể khi vẽ, chị đã chạm vào chính trái tim mình, thể hiện điều cảm nhận được là đủ. Không phải câu nệ sự đúng sai của màu sắc, bố cục, vì sự ấm áp trong tranh cũng là sự ấm áp của chính tình thân, của chính câu chuyện làng mình. Chị vẽ miễn sao thấy thuận mắt và chạm vào trái tim là đủ.

 

Có lẽ với Hồ Thị Xuân Thu, khi một bức tranh có sự tương đồng về mặt cảm xúc với người vẽ, thì sẽ dễ dàng nhận ra sự giao thoa, hòa quyện. Ngay lúc ấy, tranh đã có cái hồn của nó. Khi cảm nhận được sự ấm nồng từ tranh thì nó đã xong, còn khi nó chưa giúp mình chạm được sự ấm nồng thì chị còn vẽ tiếp. Sự rực rỡ, bóng lộn trong tranh của chị là ở tình cảm, chứ không phải ở bảng màu hoặc bề mặt tác phẩm. Cái hồn trong tranh chị có thể nhận ra từ các nhân vật đang hỏi thăm nhau, dải khăn quấn đang hỏi thăm nhau, những bàn chân cũng đang hỏi thăm nhau… Và trong tranh có âm thanh rì rào, các giai điệu trầm bổng xa xa cũng đang hỏi thăm nhau. Vì vậy, sự tỏa sáng trong tranh của chị chính là sự rực rỡ về tình cảm giao hòa, là các câu chuyện giữa người với người Tây Nguyên, là chuyện làng mình.

Nếu tính luôn triển lãm Hai nữ họa sĩ Huế: Hồ Thị Xuân Thu & Dương Tuyết tại Gallery Lotus (TP.HCM) vào năm 2005, thì từ năm 2004 đến nay, Hồ Thị Xuân Thu đã có 4 triển lãm cá nhân sơn mài, chứng tỏ sức làm việc rất bền bỉ. Với vật liệu và chất liệu sơn mài, vốn kỳ công và nặng nhọc, không phải muốn vẽ là có thể vẽ, nếu không đủ lực về sức khỏe và tinh thần sáng tạo.

 

Ngay triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2004 là Sắc màu Tây Nguyên tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hồ Thị Xuân Thu đã tạo được ấn tượng rất tốt với giới làm nghề và giới sưu tập, khi mang đến một không khí sơn mài “ít giống ai”. Năm 2012, triển lãm sơn mài Sắc màu Tây Nguyên tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Hà Nội cũng rất thành công, ngỡ như con đường sơn mài của chị sẽ rất thênh thang. Khoảng 2016, chị cũng đã mở xưởng vẽ riêng tại Pleiku, muốn tập trung cho sáng tác.

Nhưng vài năm trước đó, từ trái tim nhạy cảm của người mẹ, chị muốn tạm gác một chút công việc sáng tác để tập trung lo cho con cái ăn học, nên mãi đến khi Covid-19 xảy ra, lúc con cái cũng đã tạm trưởng thành, chị mới nhen nhóm trở lại việc sáng tác trong 3 năm gần đây. Hiện nay xưởng vẽ của chị chỉ ưu tiên cho việc sáng tác, các công việc khác như quảng cáo thì tạm gác lại hoặc chuyển sang một địa chỉ khác, bàn giao phần lớn cho nhân viên lo liệu. Chỉ 3 năm thôi, vừa quán xuyến việc nhà, lo cơm nước cho gia đình, vừa vẽ sơn mài, nhưng chị đã vỡ vạc ra nhiều lối đi, đã và đang hoàn chỉnh nhiều tác phẩm, đủ để làm 2-3 triển lãm cá nhân trong vài năm tới.

Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, mùa Đông năm 1985, chị lên Pleiku nhận nhiệm vụ. Những khó khăn, thử thách ban đầu là đương nhiên, nhưng chị cũng đã sớm hòa nhập, gắn bó với miền đất mới, đến nay gần 40 năm qua. Miền đất mới nó từ từ chạm, thấm vào trái tim chị một cách chân thực, tự nhiên, để rồi việc chị vẽ con người Tây Nguyên cũng tự nhiên như vậy, vì chị yêu thương và thấy được cái đẹp ở khắp nơi, từ cuộc sống bình dị đến văn hóa, tín ngưỡng, hồn cốt… Vì vậy mà, đến triển lãm này, chị gọi tên là Nghe kể chuyện làng mình, vì đây là câu chuyện của chính làng mình, chứ không còn là chuyện làng Tây Nguyên trong mắt một cô gái Huế, có sự cách biệt.

Trong những năm tới đây, Hồ Thị Xuân Thu dự định sẽ mang tranh sơn mài về quê nhà ở Huế để làm một triển lãm cá nhân, trước đó sẽ là một triển lãm cá nhân tại quê hương thứ hai Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Khánh Nhi

Tin cập nhật
  • Nàng Kiều Trình Mỹ Duyên lên sóng phim tết

    Nam diễn viên Vũ Đằng sẽ sánh đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong bộ phim phát sóng vào ngày mùng một Tết nguyên đán Ất Tỵ. Chợ Tết Tình Quê là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ diễn ra trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ ở cù lao An […]

  • Hoa hậu Thanh Thủy trao máy lọc nước tại Bạc Liêu

    Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thuỷ trao tặng máy lọc nước và quà Tết cho bà con tại Bạc Liêu, mở rộng dự án nước sạch từng giúp Thanh Thủy dành chiến thắng tại Hoa hậu Quốc tế 2024.   Ngày 20/1, tại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Hoa hậu […]

  • Chị em Cẩm Ly – Minh Tuyết lần đầu cùng góp mặt tại ‘Gala Nhạc Việt’

    Chương trình Gala Nhạc Việt Tết 2025 – Tết là Nguồn cội & Chương trình cộng đồng Tết sẻ chia cùng Gala Nhạc Việt vừa diễn ra tối 20/1 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM, với sự góp mặt của dàn sao Cẩm Ly, Minh Tuyết, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Tuấn Hưng, […]